Sau khi tiễn ông Công, ông Táo về trời, các gia đình thường tiến hành sang sửa bát hương, tỉa bớt chân hương vì quan niệm đây là thời gian “thần linh đi vắng”, nếu có làm xê dịch đồ thờ thì cũng không bị quở trách.

Về quan niệm này “Bàn thờ tổ tiên là nơi trang nghiêm, thanh tịnh nên cần có sự quan tâm, lau dọn thường xuyên chứ không nhất thiết phải đợi đến dịp gần Tết Nguyên đán. Điều quan trọng là khi thực hiện việc này phải làm một cách thành tâm, nghiêm túc, thể hiện lòng thành kính với người trên chứ không được vương vấn chuyện khác”.

 

Trước khi bắt đầu, người dọn dẹp bàn thờ phải tắm rửa sạch sẽ rồi thắp hương để “xin phép” thần linh và gia tiên.

Khi tỉa bớt chân hương, gia chủ sẽ rút từng chút một cho tới khi bớt lại còn một số lẻ trong bát hương (thường là 3, 5, 7, 9). Số còn lại sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây. Cần lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc nơi ô uế.

“Đừng nghĩ rằng việc giữ chân hương tạo thành tầng tầng, lớp lớp sẽ khiến tổ tiên dễ về hơn hoặc gia chủ có lộc hơn. Đó chỉ là sự mê tín do mỗi người tự nghĩ ra. Chúng ta nên thường xuyên tỉa chân nhang để bát hương và bàn thờ không bị dính bụi bẩn, gây mất thẩm mỹ”.

Cũng vào thời điểm cuối năm, nhiều gia đình có nhu cầu bốc lại bát hương. Tuy nhiên việc này chỉ thực hiện trong một số trường hợp như khi về nhà mới; nhà đang muốn gộp hay tách bát hương hoặc nhà chẳng may gặp vận hạn. Khi bốc lại bát hương, cần đổ hết tro cốt cũ, rửa sạch bát hương rồi mới bốc lại.

Khi vệ sinh bát hương cần dùng rượu gừng, khăn gạc lau sạch từ miệng bát hương trở xuống. Sau khi đã vệ sinh, sang, sửa bát hương xong đặt yên vị trên bàn thờ, gia chủ không được xê dịch bát hương nữa. Lưu ý, khi cho thêm cho mới cần cách miệng bát hương từ 1cm đến 2cm. Khi hoàn thành các công đoạn, cần thắp hương báo mời thần linh và gia tiên trở về.